Từ những công trình mừng Đại lễ...
Những ngày cuối tháng 9-2010, người dân xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy) nói chung và những người con cháu họ Mạc, gốc Mạc nói riêng hòa niềm vui chung đón mừng lễ khánh thành công trình Nhà chính điện tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc. Diễn ra trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, sự kiện này đặc biệt có ý nghĩa, không chỉ đánh dấu kết qủa bước đầu của dự án xây dựng khu tưởng niệm Vương triều Mạc, mà còn thể hiện quyết tâm và tình cảm của người dân Hải Phòng hướng về Đại lễ. Hai công trình khác nằm trong chuỗi các công trình trọng điểm tại Hải Phòng là công trình phỏng dựng tháp Tường Long trên đỉnh núi Ngọc (Đồ Sơn) và dự án nâng cấp đền Gắm (Tiên Lãng) cũng đang bước vào giai đoạn gấp rút, hoàn thành những hạng mục cơ bản chào mừng Đại lễ.
Giới nghệ nhân đất Cảng với tấm lòng và tình cảm thiết tha hướng về Đại lễ cũng đóng góp nhiều công trình văn hoá, nghệ thuật chứa đựng những giá trị tinh thần to lớn. Đó là nhà thư pháp Lê Thiên Lý với công trình nghệ thuật 1.000 bức thư pháp chữ Long và chiếc đĩa gốm Chu Đậu in 1.000 chữ Long viết theo lối thư pháp. Đó còn là các nghệ nhân Hội sinh vật cảnh Hải Phòng với 58 tác phẩm cây cảnh độc đáo tham gia lễ hội sinh vật cảnh mừng Đại lễ hay vị Giám đốc Công ty TNHH Tân - Đại - Kiến với tác phẩm cây lộc vừng uốn thành thế “Phụng long chầu nguyệt” và cây đa cổ thụ “Cửu Long tranh châu”. Riêng Công ty TNHH Tân - Đại - Kiến còn góp sức mình vào dự án trang trí khuôn viên Phủ Chủ tịch, Lăng Bác và sản xuất các sản phẩm chậu cảnh mỹ nghệ làm quà tặng đại sứ quán các nước tại Việt Nam.
... tới những hoạt động văn hoá, nghệ thuật sôi nổi
Một điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi các hoạt động của thành phố hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội là Tuần lễ Văn hoá - thể thao và du lịch Hải Phòng lần thứ nhất năm 2010. Ngoài các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao, Tuần lễ mang tới cho công chúng Đại tiệc giới thiệu hương vị ẩm thực ba miền Bắc – Trung – Nam thể hiện truyền thống và tinh hoa ẩm thực của dân tộc. Đầu bếp của các nhà hàng đất Cảng dâng lên Đại lễ bữa tiệc 1.000 món ăn từ cao cấp tới bình dân được trình diễn đầy tính nghệ thuật bắt mắt, độc đáo và sản phẩm ông rùa bằng hải sản lớn nhất tái hiện truyền thuyết lịch sử rùa thần trả kiếm. Hội thi Lân – Sư - Rồng được tổ chức gợi lại nét sinh hoạt văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc. Người xem cũng có thể tìm thấy tại Tuần lễ những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống như viết thư pháp, hình ảnh một số làng nghề thủ công như đúc đồng, dệt chiếu cói, làm nón... Tất cả tạo nên không khí hoài cổ, hướng người dân nhớ về nguồn cội.
Cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hải Phòng và những người đam mê cổ vật đất Cảng lại sử dụng thứ ngôn ngữ riêng của những hình ảnh, tư liệu, hiện vật, cổ vật để bày tỏ tấm lòng với Thủ đô ngàn năm tuổi. Tại Triển lãm “Thăng Long – Hà Nội vọng mãi ngàn năm” và “Cổ vật Hải Phòng tinh hoa hội tụ”, 100 hình ảnh, tư liệu và 1.000 cổ vật cùng hội tụ tái hiện những thăng trầm trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô, góp phần vẽ nên bức tranh phản ánh một thời kỳ lịch sử vun đắp những giá trị văn hóa, nghệ thuật to lớn. Góp phần không nhỏ tạo nên không khí chào đón Đại lễ sôi động đầy hứng khởi, tập thể nghệ sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật chiêu đãi công chúng với nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng như chương trình “In dấu rồng thiêng” tối 2-10, vở chèo mới của Đoàn chèo Hải Phòng “Hồ Xuân Hương với tình”, chương trình nghệ thuật chào mừng Đại lễ của Đoàn Chèo Hải Phòng, Liên hoan “Hát mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”… Tất cả đều được thực hiện bằng tấm lòng chân thành nhất của người dân phố Biển mừng Thủ đô thân yêu tròn một nghìn năm tuổi./.
Thành Lê